Cần bảo tồn và phát triển đất ngập nước Sông Đầm - hệ sinh thái quý hiếm của Quảng Nam

7, 20/07/2024, 05:00 GMT + 7

(Tin Môi Trường) - Hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước Sông Đầm được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ sáng ngày 19/7/2024.


 Bảo tồn và phát triển đất ngập nước Sông Đầm - hệ sinh thái quý hiếm của Quảng Nam

Quang cảnh hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có Ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, các vị lãnh đạo thành phố Tam Kỳ, Giáo sư Kwi Won (Trung tâm Đào tạo Đô thị Quốc tế), đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, các trường đại học và các nhà khoa học trong cả nước.
 
GS.TSKH. Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thay mặt lãnh đạo Hội tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
 
Sông Đầm với diện tích toàn bộ lưu vực là 650ha, trong đó có gần 230 ha mặt nước; Đây chính là hồ điều hòa lớn, là lá phổi xanh của thành phố; là vùng chứa lũ, vùng điều tiết nước trong mùa mưa, có vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Tam Kỳ về lâu dài.
 
Theo báo cáo của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, tại đây ghi nhận được  295 loài loài động vật, trong đó có 33 loài cá khác nhau, 16 loài bò sát, ếch nhái., có 31 loài chim, đáng chú ý có loài “Cò nhạn” nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 211 loài côn trùng. Các loài thực vật bậc cao: ghi nhận được 170 loài thực vật thuộc 74 họ khác nhau. Đặc trưng của hệ thực vật Sông Đầm là các loài cây ngập nước.
 
Ngoài ra, Sông Đầm là khu vực có giá trị về cảnh quan, sinh thái và lịch sử đối với tỉnh Quảng Nam nói chung và thành phố Tam Kỳ nói riêng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Sông Đầm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ sinh thái.
 
Do đó, việc phục hồi và phát triển hệ sinh thái Sông Đầm là hết sức cần thiết nhằm phục hồi, tạo môi trường sống an toàn, bền vững cho các loại động thực vật bản địa, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân; góp phần phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái cho thành phố Tam Kỳ.
 
Thời gian qua, thành phố đã bố trí 8,9 tỷ đồng từ ngân sách để trồng cây, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm trên diện tích 22 ha, gồm nhiều chủng loại bản địa như lộc vừng, tre đồng, sậy, dừa nước. Người dân cam kết kết bảo vệ, phục hồi để hệ sinh thái sông Đầm phong phú hơn.
 

Bảo tồn và phát triển đất ngập nước Sông Đầm - hệ sinh thái quý hiếm của Quảng Nam

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
 
Theo quy hoạch TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái và phát triển du lịch. Thành phố đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái khu vực sông Đầm, thực hiện trong năm 2024.
 
Ngoài đầu tư hạ tầng, TP Tam Kỳ đề nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương xây dựng Dự án “Xây dựng khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học Sông Đầm gắn với phát triển sinh kế bền vững cho nhân dân vùng bờ” và dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam tại khu vực hồ sông Đầm với quy mô 6 ha.
 
10 báo cáo (trong số 19 báo cáo tham luận) đã được trình bày cùng với hàng chục ý kiến góp ý tại Hội thảo. Các đại biểu đều thống nhất cần thiết triển khai ngay các biện pháp bảo tồn sinh thái và sinh cảnh sống của các loài trong hệ sinh thái đất ngập nước Sông Đầm. Tuy nhiên, cũng cần có những nghiên cứu về các vùng sinh thái xung quanh, nghiên cứu áp dụng AI vào quản lý, đồng thời các đại biểu cũng cảnh báo rằng, cần bảo vệ nguyên vẹn cảnh quan thên nhiên, không nên xây dựng các công trình đồ sộ xung quanh hồ, bảo vệ. Khi cần thiết xây dựng, phải thể hiện mô hình kiến trúc xanh, phù hợp với không gian thiên nhiên, với yếu tố văn hóa bản địa.
 
Lãnh đạo thành phố Tam Kỳ cũng cho biết đang kiểm kê, xây dựng hồ sơ đăng ký các cây cổ thụ trong khu vực (như cây Sưa vàng, cây Rõi,…) là Cây Di sản Việt Nam, đây cũng là một trong những biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái và sinh kế cho người dân nơi đây.

BTV

Về đầu trang